Dạy con

Hoạt động chủ đạo của Học sinh THCS (Tuổi thiếu niên) – P1

Hoạt động chủ đạo trong sự phát triển

Ở mỗi độ tuổi, con người có một hoạt động chủ đạo. Hoạt động chủ đạo là hoạt động chính quyết định đến sự biến đổi đời sống cá nhân, nhất là trong các quá trình tâm lý và nhân cách con người. Trẻ được thực hiện đúng hoạt động chủ đạo tại từng giai đoạn lứa tuổi sẽ xây dựng nền móng vững chắc về đời sống tinh thần, kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho các giai đoạn sau này.

  1. Thai thi.
  2. Hài nhi (0 – 1 tuổi): Quan hệ chủ yếu là sự gắn bó mẹ con.
  3. Ấu nhi (1 – 3 tuổi): Lớp quan hệ chủ yếu là Mẹ và người lớn, thế giới đồ vật. Tương tác mẹ con và hành động với đồ vật là hành động chủ đạo.
  4. Mẫu giáo (3 – 6 tuổi): Quan hệ xã hội và thế giới đồ vật. Hoạt động chơi là hoạt động chủ đạo.
  5. Nhi đồng (6 – 11 tuổi): Hoạt động chủ đạo là học tập
  6. Thiếu niên (11 – 15 tuổi): Hoạt động học tập và phát triển mối quan hệ bạn bè là chủ yếu.
  7. Thanh niên (15 – 25 tuổi): Tri thức khoa học nghề nghiệp; quan hệ xã hội, hoạt động học tập – nghề nghiệp, trong đó hoạt động xã hội là chủ đạo.
  8. Trưởng thành (25 – 60 tuổi): Nghề nghiệp và quan hệ xã hội. Hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội
  9. Tuổi già (sau 60 tuổi): Quan hệ xã hội.

Hoạt động chủ đạo và các hoạt động khác phối hợp hữu cơ với nhau và chuyển hoá vai trò cho nhau, tạo thành hệ thống hoạt động của cá nhân, qua đó dần hình thành nhân cách. 

Việc xác định chính xác hoạt động chủ đạo ở mỗi giai đoạn lứa tuổi và tạo điều kiện cho trẻ thực hiện tốt các hoạt động đó để các nền tảng đời sống tinh thần, các phẩm chất tâm lý, nhân cách mà chỉ khi được hình thành và phát triển trong giai đoạn đó mới mang lại giá trị tích cực, lành mạnh, đúng đắn cho các giai đoạn sau của cuộc đời.

Học sinh THCS thuộc độ tuổi thiếu niên 11-15 tuổi, hoạt động chủ đạo là duy trì hoạt động học tập và phát triển giao tiếp. Trẻ có xu hướng tập trung vào giao tiếp – kết bạn đồng trang lứa, “hướng ra bên ngoài” hơn trước đây, mong muốn được thể hiện cái tôi khác biệt,… Do đó, độ tuổi này là độ tuổi nhạy cảm, bố mẹ cần thấu hiểu và hỗ trợ trẻ kết bạn – giao tiếp đồng trang lứa lành mạnh nhưng không quá áp lực và ràng buộc. 

Đặc điểm hoạt động học tập của thiếu niên 

  • Quan trọng nhất là phương pháp học, cách học các môn khoa học như thế nào cho hiệu quả.
  • Đối tượng học tập của thiếu niên là những tri thức thuộc các lĩnh vực khoa học riêng. Việc học tập một cách hệ thống những khái niệm khoa học là yếu tố quan trọng để thiếu niên cấu trúc lại hệ thống động cơ, thái độ học tập cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nhận thức, trí tuệ và nhân cách. 
  • Động cơ học tập của thiếu niên là tìm hiểu một cách hệ thống tri thức khoa học và áp dụng chúng vào giải quyết nhiệm vụ thực tiễn. Từ đó hình thành thái độ mới đối với hệ thống tri thức khoa học. Chuyển cách nhìn sự vật từ cảm tính sang cách nhìn có tính chất lý luận.
  • Ở cuối tuổi thiếu niên dần xuất hiện những động cơ học tập mới, có liên quan đến sự hình thành dự định nghề nghiệp và tự ý thức.
  • Thái độ đối với học tập ở của thiếu niên đã được cấu trúc lại, có sự phân hoá thái độ đối với các môn học, có môn “thích”, môn “không thích”, có môn “cần”, có môn “không cần”… Thái độ khác nhau đối với các môn học của thiếu niên phụ thuộc vào hứng thú, sở thích của các em, vào nội dung môn học và phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Phụ huynh cần làm gì để trẻ có hứng thú trong học tập?

  • Cho trẻ tiếp xúc với nhiều phương pháp học tập một cách khoa học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh, dễ dàng và có hứng thú.

Ví dụ: Học các môn cần trí nhớ bằng phương pháp Blurting, hệ thống kiến thức bằng Mindmap, rèn thói quen và khả năng tập trung bằng Pomodoro,…

  • Kết nối và tạo điều kiện để trẻ nhận ra ý nghĩa, ứng dụng của các môn học với đời sống thực tế trong các lĩnh vực ví dụ sinh học với khoa học sức khỏe, nông nghiệp, môi trường,… để trẻ tìm ra giá trị nghề nghiệp, giá trị sống,… và hình thành động lực và mục tiêu học tập, phát triển bản thân.

Ví dụ: Tham gia các hoạt động tại các nông trại trong kỳ nghỉ hè, nói về bác sĩ và môn sinh học, hóa học khi trẻ đi khám chữa bệnh, kết hợp lịch sử và kinh tế để biết cách nền kinh tế vận hành,…

  • Việc học tập không chỉ quan trọng trong giai đoạn còn ở trường, mà còn cả trong đời sống và cần duy trì việc học suốt đời, phụ huynh nên cho trẻ biết ý nghĩa của việc học và duy trì việc học như một thói quen hằng ngày không thể dừng lại, như vậy, cũng đồng thời thúc đẩy tinh thần tự giác, tự chủ, tự lập học tập, rèn luyện bản thân cho trẻ.

Ví dụ: Duy trì thói quen đọc sách, tìm hiểu những kiến thức đời sống mỗi ngày,…

Shares: