Dạy con

Hoạt động chủ đạo của Học sinh THCS (Tuổi thiếu niên) – Phần 2: GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI LỚN

Hiểu tâm lý, mong muốn, nhu cầu của trẻ trong giao tiếp để trò chuyện với trẻ hiệu quả hơn.

Quan hệ của thiếu niên với giáo viên trong quá trình học tập 

  • Thiếu niên ít phụ thuộc vào giáo viên hơn, giao tiếp có phần xã giao hơn, ít tiếp xúc với nhiều giáo viên.
  • Thiếu niên phải tìm cách thích nghi với những yêu cầu mới của giáo viên, tạo ra khó khăn cho các em nhưng cũng là yếu tố khách quan để các em dần dần có được phương thức nhận định người khác. Đồng thời, các em có thể nảy sinh sự đánh giá, so sánh và tỏ thái độ khác nhau với các giáo viên. Từ đó các em có yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực của giáo viên, đặc biệt là về các phẩm chất nhân cách.

Giao tiếp với người lớn và các kiểu ứng xử của người lớn đối với thiếu niên

  • Nhu cầu được tôn trọng cao, luôn đòi hỏi được bình đẳng, được tôn trọng, được đối xử như người lớn, được hợp tác, cùng hoạt động với người lớn. Nếu người lớn ra lệnh với các em thì bằng cách này hay khác, sẽ xuất hiện thái độ phản ứng tiêu cực, công khai hoặc ngấm ngầm. 
  • Có khát vọng được độc lập, được khẳng định, không thích sự quan tâm, can thiệp của người lớn, không thích có sự kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ,… 
  • Sự công nhận, khen thưởng hoặc phê bình trách phạt của người lớn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin quá mức, kiêu ngạo hoặc tạo ra sự tự ti về bản thân của trẻ. 
  • Trẻ THCS có thể cãi lại người lớn, bảo vệ quan điểm, ý kiến riêng bằng lời nói, việc làm, chống đối người lớn hoặc bỏ nhà ra đi… 
  • Xuất hiện nhiều mâu thuẫn:
  • Mâu thuẫn trong nhận thức và nhu cầu trong chính bản thân: Nhu cầu và mong muốn thoát ly khỏi sự giám sát của người lớn muốn độc lập với khả năng ứng xử và giải quyết nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới hoạt động và tương lai cuộc sống còn yếu.
  • Mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh, bất ổn định về thể chất, tâm lý và vị thế xã hội ở trẻ em với nhận thức và hành xử của người lớn gây ra việc người lớn thường có thái độ và cách cư xử với các em như cư xử với trẻ nhỏ. 
  • Xu hướng cường điệu hoá, kịch hóa các tác động của người lớn trong ứng xử hàng ngày. Các em thường suy diễn, thổi phồng, cường điệu hoá quá mức tầm quan trọng của các tác động đó, đặc biệt là các tác động liên quan tới danh dự và lòng tự trọng của các em. Trong khi đó, hành vi của chính các em có thể gây hậu quả đến tính mạng mình lại thường bị các em coi nhẹ. Vì vậy, chỉ cần một sự tác động của người lớn, làm tổn thương chút ít đến các em thì trẻ thiếu niên coi đó là sự xúc phạm lớn; sự tổn thất tâm hồn nghiêm trọng, từ đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực với cường độ mạnh. 

Các kiểu quan hệ của người lớn với thiếu niên

  • Có hai kiểu ứng xử điển hình của người lớn trong quan hệ với thiếu niên:
  • Kiểu ứng xử dựa trên cơ sở người lớn thấu hiểu sự biến đổi trong quá trình phát triển thể chất và tâm lí của thiếu niên: người lớn thường không cố chấp và cố giữ nguyên thái độ của mình như đối với trẻ nhỏ mà thường tôn trọng cá tính và sự phát triển, có sự đồng cảm, hợp tác theo tinh thần dân chủ. Kiểu quan hệ này giảm sự xung khắc, mâu thuẫn, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của trẻ.
  • Kiểu ứng xử dựa trên cơ sở người lớn vẫn coi thiếu niên là trẻ nhỏ, vẫn giữ trái độ ứng xử như với trẻ nhỏ: người lớn thường vẫn áp đặt tư tưởng, thái độ và hành vi đối với các em như đối với trẻ nhỏ. Quan hệ này thường chứa đựng mâu thuẫn và dễ dẫn đến xung đột giữa người lớn và trẻ em.

Để tránh mâu thuẫn, xung đột với thiếu niên dẫn đến hậu quả xấu, thậm chí nghiêm trọng đối với sự phát triển của lứa tuổi, người lớn cần làm trong giao tiếp với thiếu niên:

  • Hiểu và đánh giá đúng sự thay đổi nhanh và mạnh sự phát triển thể chất và tâm lý của các em so với giai đoạn trước, sự không ổn định về trạng thái sức khỏe thể chất và tâm lí của các em.
  • Chú ý đến nhu cầu vươn lên để trở thành người lớn và cảm giác đã là người lớn của trẻ;
  • Xác định đúng hoàn cảnh phát triển của các em và đặt mình vào hoàn cảnh của các em trong giao tiếp.
  • Cho phép các em ở vị trí mới, vị trí của người thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng, tin tưởng với thiếu niên; 
  • Gương mẫu, tế nhị trong hành xử với các em và với tất cả mọi người. 
  • Giáo dục các em về sự thấu hiểu và đồng cảm với người thân và mọi người trong gia đình, nhà trường và trong cộng đồng.

Mời quý phụ huynh xem tiếp Phần 3: Hoạt động chủ đạo tuổi thiếu niên – Thiếu niên giao tiếp với bạn bè

Shares: