Dạy conTâm lý

SỰ THAY ĐỔI TÂM LÝ – SINH HỌC – XÃ HỘI Ở TRẺ TEEN

Ở độ tuổi học sinh THCS, các em phải đối diện với sự thay đổi rõ rệt ở cả 3 khía cạnh: Sinh học, Tâm lý và Vị thế xã hội. Nắm được những thay đổi này ở trẻ thiếu niên, sẽ giúp phụ huynh hiểu được những vấn đề con mình gặp phải, và có những sự phòng ngừa để trẻ lớn lên trong sự an toàn.

SINH HỌC

Đây là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ nhưng không đồng đều về mặt cơ thể.

  • Sự phát triển hệ xương như các xương tay, xương chân rất nhanh, nhưng xương ngón tay, ngón chân lại phát triển chậm, do đó em thường vụng về, không khéo léo khi làm việc, thiếu thận trọng hay làm đổ vỡ … Điều đó khiến phụ huynh thường nghĩ do trẻ bất cẩn, không chú ý khi làm việc, đôi khi sẽ nặng lời.
  • Sự phát triển của hệ thống tim mạch cũng không tương đồng, có một số rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn, tăng huyết áp, tim đập nhanh, hay nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Tuyến nội tiết bắt đầu hoạt động mạnh, bắt đầu xuất hiện mùi cơ thể và da nổi mụn.
  • Hệ thần kinh của thiếu niên còn chưa có khả năng chịu đựng những kích thích mạnh, thường dẫn đến rối loạn hoạt động hệ thần kinh. 

Lứa tuổi học sinh THCS chưa đạt được sự cân đối giữa sự phát dục, giữa bản năng tương ứng, những tình cảm và ham muốn với mức độ trưởng thành về mặt xã hội và tâm lý. Nhiều khó khăn trở ngại ở lứa tuổi này chính là các em chưa biết đánh giá, chưa biết kìm hãm và hướng dẫn bản năng, ham muốn của mình một cách đúng đắn, chưa biết kiểm tra tình cảm và hành vi, chưa biết xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa người bạn khác giới. Vì thế cần phải giúp đỡ các em một cách tế nhị, khéo léo để các em hiểu đúng vấn đề, đừng làm cho các em băn khoăn, lo ngại, tránh những hành vi không đúng chuẩn mực.

VỊ THẾ XÃ HỘI:

Sự lớn lên về mặt thể chất và tâm lý, dẫn đến cách người lớn nhìn nhận và giao trách nhiệm cho các em cũng dần thay đổi:

  • Trong gia đình của các em học sinh THCS: được cha mẹ, anh chị giao cho những những nhiệm vụ cụ thể như chăm sóc em nhỏ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăn nuôi gia súc …, các em ý thức được các nhiệm vụ và thực hiện tích cực. Các em được tham gia bàn bạc một số công việc của gia đình. Những thay đổi đó đã động viên, kích thích học sinh THCS hoạt động tích cực, độc lập tự chủ.
  • Trong nhà trường của học sinh THCS: Sự thay đổi về nội dung dạy học, thay đổi về phương pháp dạy học và hình thức học tập. Tất cả những thay đổi đó là điều kiện rất quan trọng làm cho hoạt động nhận thức và nhân cách của học sinh THCS có sự thay đổi về chất so với các lứa tuổi trước.
  • Trong xã hội: được giao một số công việc nhất định trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: tuyên truyền cổ động, giữ trật tự đường phố, giúp đỡ gia đình thương binh, tham gia chăm sóc gia súc, làm công tác xã hội.

Vị thế xã hội thay đổi đi kèm các trách nhiệm và hoạt động mà trẻ thực hiện chính là nền móng để trẻ phát triển nhân cách và gắn kết với cộng đồng, phát triển tinh thần trách nhiệm đối với cuộc sống. Bên cạnh học tập, cũng cần hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động tại nhà, trường, các tổ chức bên ngoài, xây dựng mối quan hệ.

TÂM LÝ

Những thay đổi về mặt sinh học và vị thế xã hội dẫn đến sự thay đổi trong tâm lý của học sinh.

Những thay đổi về mặt sinh học dẫn đến những trở ngại, lo lắng về mặt tâm lý, tinh thần của trẻ như những lo lắng về ngoại hình cao, thấp, béo, da mụn, mùi cơ thể,… Sự mất cân bằng trong hệ thần kinh: khó kiểm soát cảm xúc, dễ có những cơn tức giận, nổi nóng, buồn tủi,… cảm giác bất lực khi không thể làm chủ cảm xúc. 

Việc đa dạng hóa các vị thế trong đa môi trường thúc đẩy quá trình giao tiếp, hình thành kết nối với xã hội là nền tảng để trẻ phát triển nhân cách.

Khi trẻ trải nghiệm những sự thay đổi, trẻ bắt buộc phải thực hiện các hoạt động để thích nghi và đáp ứng được, từ đó, trẻ học cách ứng phó với những biến đổi của các yếu tố,  trẻ bắt đầu hình thành và phát triển tự ý thức – ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tâm lý, hoạt động học tập, mối quan hệ với mọi người. Bắt đầu từ việc trẻ tự nhận thức hành vi của mình như học cách quản lý cảm xúc, rèn luyện tinh thần, phát triển các kỹ năng, tư duy, thái độ,…  từ những hành vi riêng lẻ, đến toàn bộ hành vi và cuối cùng là nhận thức về những phẩm chất đạo đức, tính cách và khả năng của mình, tính cách và nhân cách của trẻ dần được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, khả năng tự ý thức của trẻ chưa đủ để phân tích đúng đắn, do đó, phụ huynh cần đồng hành, theo dõi, hỗ trợ hướng dẫn các em trong các khía cạnh, đảm bảo việc trẻ hình thành những quan điểm sống, thế giới quan, kỹ năng, thói quen, tư duy nền tảng cho sự phát triển cá nhân.

Phụ huynh nên làm gì?

  • Chú ý đến dinh dưỡng, giấc ngủ, nhịp sinh hoạt và tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động thể thao để tối ưu được sự giai đoạn phát triển này về mặt sinh học. 
  • Tôn trọng nhu cầu khẳng định bản thân, tự ý thức về bản thân và tính nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Do đó đôi khi chỉ là những thành công nhỏ được người khác quá chú ý cũng để tạo cho các em tự cao, đánh giá cao bản thân của mình. Trái lại những thất bại nhỏ nếu bị dè biểu cũng có thể gây cho các em rụt rè, tự ti. Sự ổn định hình thành nhân cách trước đây sẽ bị phá vỡ, tạo nên sự thay đổi cấu trúc nhân cách, từ trẻ em sang người lớn trưởng thành.
  • Quan hệ xã hội của các em từ mối quan hệ cha mẹ chuyển sang mối quan hệ bạn bè. 
  • Tạo điều kiện cho các em nhiều quyền độc lập hơn và những yêu cầu cao hơn.
  • Thiếu niên thường không muốn sự chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá mức của cha mẹ. 
  • Mong muốn được tôn trọng ý kiến của các em hơn là chiều chuộng.
  • Thường các em chưa nhận thức được mặt tốt và mặt xấu ở trong xã hội trong khi đây là lứa tuổi hay tìm kiếm, thực nghiệm và lứa tuổi chống đối. Vì vậy các em cần có sự quan tâm hỗ trợ, dìu dắt hướng dẫn của người lớn. 
  • Các em từng bước tự chủ trong học tập và công việc. Vì vậy các em cần có chỗ dựa tình cảm của người thân để tâm sự và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm…
  • Sau một thời gian các em đánh giá, xác định cho bản thân nhân cách mới, nhân cách trưởng thành.
  • Cuối giai đoạn này nhân cách đã được hình hành ổn định, các em bắt đầu lựa chọn ngành nghề .

Shares: