Dạy conTâm lý

NGOÀI HỌC TẬP, TEEN CẦN BIẾT GÌ?

Một trong những sai lầm của rất nhiều phụ huynh Việt Nam đó là thiếu sự quan tâm đến việc nuôi dưỡng “tinh thần trách nhiệm” không chỉ đối với xã hội mà ngay cả chính đối với người thân, gia đình và thậm chí không có tinh thần trách nhiệm đối với chính bản thân. Khi trẻ còn nhỏ thì cho rằng trẻ đang ở “tuổi ăn tuổi chơi”, đến khi đi học “tuổi ăn tuổi học” nên tạo mọi điều kiện, muốn con dành toàn thời gian tập trung học tập, chấp nhận làm mọi việc thay cho trẻ, để trẻ chỉ “ăn – chơi” hoặc chỉ “ăn – học” để cho đúng với suy nghĩ để trẻ được theo đúng độ tuổi, và nghĩ rằng mình đang dành mọi điều tốt nhất cho trẻ. Nhưng không! Điều này sẽ chỉ tạo nên những đứa trẻ dù 12 tuổi vẫn không có thói quen tự xếp chăn gối sau khi ngủ dậy, tự dọn dẹp sau mỗi bữa ăn,… 

Ở độ tuổi nào cũng cần rèn cho trẻ “tinh thần trách nhiệm” phù hợp thông qua các công việc phù hợp. Đơn giản như, chơi xong thì cất đồ chơi vào đúng vị trí, đọc sách xong thì để sách trở lại kệ, ăn xong thì dọn rửa, ngủ dậy phải xếp chăn gối, đi ngủ – thức dậy đúng giờ để kịp giờ đến trường,… Tất cả những việc tuy nhỏ, nhưng giúp trẻ dần trưởng thành hơn, tự lập, tự giác trong cuộc sống của mình.

Từ trước tuổi 12, phụ huynh nên rèn cho con những thói quen sau tùy theo độ tuổi để xây dựng cho trẻ thói quen và tinh thần trách nhiệm, mục tiêu chính là để trẻ có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình và phát triển một cách lành mạnh trong môi trường xã hội đầy những điều không tốt cho trẻ:

  1. Dọn dẹp: Có thể rèn cho trẻ ngay từ khi 1-3 tuổi thông qua việc cất dọn đồ chơi sau khi chơi, 3-4 tuổi dọn dẹp sau khi ăn, lau bàn ghế, tự vệ sinh mặt mũi, tay chân của chính bản thân trẻ trước và sau khi ăn, 5-6 tuổi quét dọn nhà, xếp chăn gối sau khi thức dậy, quần áo sau khi phơi,… Mỗi khi bắt đầu rèn cho trẻ một điều mới, phụ huynh nên hướng dẫn chi tiết, đồng hành cùng trẻ đến khi trẻ có thể thực hiện độc lập.
  2. Tự chăm sóc bản thân: 
  • Vệ sinh cá nhân: trẻ từ 3-4 tuổi đã có đủ khả năng tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh, phụ huynh nên rèn cho trẻ thói quen về các hoạt động vệ sinh cá nhân: tắm gội, răng miệng, rửa tay,…
  • Nấu nướng (theo từng độ tuổi): trẻ sẽ biết tự lo cho mình và cho người khác, thông qua đó nuôi dưỡng tình yêu thương bên trong trẻ.
  • Sắp xếp và chuẩn bị vật dụng cá nhân: quần áo, bàn học, sách vở, giường ngủ,…: một thói quen cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, có trật tự, có kỷ luật.
  • Thói quen sinh hoạt có giờ giấc: Ăn – Ngủ – Học – Làm bài tập – Giải trí – Việc nhà – Thời gian dành cho bản thân và gia đình. Thông qua đó, trẻ học cách quản lý thời gian và sắp xếp công việc, tránh hình thành những thói quen trì hoãn, lười nhác.
  • Giặt giũ: Mang lại cho trẻ sự tự chủ và riêng tư, nhất là khi trẻ bắt đầu có những thay đổi về sinh học (kinh nguyệt, xuất tinh). Cũng là cách hình thành tinh thần trách nhiệm của trẻ đối với gia đình. 
  1. Có trách nhiệm với đời sống tinh thần và phát triển thể chất của bản thân: Thông qua việc hình thành những sở thích lành mạnh (Không phụ thuộc đồ điện tử): Trồng cây, chăm sóc thú cưng, đọc sách, vẽ tranh, học nhảy, học chơi thể thao, võ tự vệ, nặn tượng, lego,…
  2. Cung cấp cho trẻ những kiến thức độ tuổi: 
  3. Tự chịu trách nhiệm với những thiếu sót, sai lầm của bản thân: Việc không hoàn thành bài tập về nhà, thức dậy trễ, chuẩn bị sách vở không đầy đủ, không hoàn thành việc nhà, trễ giờ đi thực tế,…
  4. Sử dụng phương tiện công cộng: Dạy trẻ cách xem bản đồ, biết cách bắt xe buýt, đặt xe taxi để chủ động di chuyển khi cần. Trẻ cũng cần biết cách ứng phó nếu vô tình bỏ lỡ xe hoặc xuống xe buýt sai trạm. Hãy dạy con cách ngồi hoặc đứng gần người lái xe càng tốt và yêu cầu sự giúp đỡ nếu cảm thấy không an toàn.
  5. Tự bảo vệ bản thân: Trong các trường hợp:
  • Tự đi học hoặc những ngày Phụ huynh không thể đến đón 
  • Dạy trẻ cách đề phòng các mối nguy hiểm ngoài xã hội, trước cổng trường như: kẹo ma túy, những người lạ bắt chuyện,…
  • Đi lạc/ Những trường hợp khẩn cấp: cháy, cấp cứu, kẹt trong thang máy,…
  • Bạo lực học đường, cô lập,…
  • Những lừa đảo trên mạng xã hội
  1. Có trách nhiệm với gia đình: Giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc người thân, em nhỏ, rửa xe, đi chợ, siêu thị,…
  2. Thể hiện tình yêu thương, đồng cảm như gọi điện cho ông bà ở xa, hỏi thăm, chăm sóc khi có người bị ốm đau, giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, chăm sóc cây cảnh, thú cưng;…
  3. Tự lập kế hoạch, theo dõi lịch trình và tự chuẩn bị cho những hoạt động khác: Tự theo dõi các cuộc giao lưu xã hội, các chuyến đi thực tế, lịch nộp bài tập, các ngày lễ, ngày kỷ niệm,…
  4. Bảo vệ ý kiến riêng: Con cần học cách bảo vệ ý kiến riêng của mình trong sự bình tĩnh và có lý lẽ phù hợp, tránh việc tranh cãi, to tiếng, nóng giận,…
  5. Cho con khoản tiền riêng và dạy con ý nghĩa, kiến thức về tài chính: để con học cách quản lý tài chính, con nên được dạy phương pháp “3 hũ tiền” cho các mục đích Để dành – Chi tiêu – Chia sẻ..
  6. Kết bạn và Gắn kết với cộng đồng: Tạo cơ hội cho trẻ  tham gia các hoạt động cộng đồng, hướng đạo sinh, gây quỹ từ thiện…

Ứng xử: Văn minh, lịch sự, theo quy định, phù hợp tại từng nơi như rạp chiếu phim, tại nhà hàng, thang máy, siêu thị… như học cách gọi món ăn, cảm ơn người phục vụ…

Shares: